CS1: 129E Phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội - 096.12345.34
CS2: 187A đường 3/2, Phường 11, Quận 11 - 0962.2233.66

Tôi thích điện thoại Nokia còn bạn thì sao

Đăng 11:09 PM ngày 23/09/2014

Đã từng có thời mọi người nghĩ ngay đến cái tên "Nokia" khi đang cần lựa cho mình một chiếc điện thoại mới. Công ty Phần Lan này có nhiều lựa chọn mẫu mã và thiết kế độc đáo, kèm theo đó là một thương hiệu đã quá nổi tiếng trên toàn cầu. Chúng ta khó có thể nào chọn ra một chiếc máy "dở" trong bộ sưu tập sản phẩm của hãng. Giờ đây thì mọi chuyện đã thay đổi, tuy nhiên bạn có để ý là Nokia đã thấy trước tương lai của thế giới di động ngày hôm nay hay không?
Những chiếc điện thoại hàng đầu hiện nay đều được làm từ nhôm hoặc ít nhất có một ít nhôm trong mình, ngoài ra chúng còn có máy ảnh xịn nữa. Và chiếc Nokia N8 ra mắt năm 2010 cũng như thế. iPhone, HTC One M8, Galaxy Note 4 hay Sony Xperia Z3 ngày nay cơ bản đều là một sự hoàn thiện của những gì Nokia từng làm nửa thập kỷ trước: kết hợp camera tốt với vật liệu tốt rồi để các đối thủ khác cố gắng chạy theo mình.


Thứ mà Nokia làm không tốt đó là phần mềm. Chiếc N8 đã sẵn sàng để ra mắt hồi đầu năm 2010, nếu lúc đó Nokia kịp đưa sản phẩm ra thị trường thì nó đã trở thành một trong những chiếc điện thoại đầu tiên có khả năng quay video 720p. Tuy nhiên, sự trì hoãn của các phiên bản Symbian mới đã khiến N8 bị dời đến tận tháng 9 của năm đó. Phần cứng của máy đã bị phần mềm chặn lại. Một nhân viên của Nokia từng nói với phóng viên của trang The Verge vào thời điểm đó rằng Symbian được phát triển trong từng phòng riêng biệt và chỉ vài tuần trước khi ra mắt, các phần mềm đó mới được kết hợp lại như một hệ điều hành hoàn chỉnh
"Nó to", ông ấy nói với một nụ cười trên môi. "Nhưng nó cũng rất đẹp và mỏng". Đây không phải là lời của Phil Schiller khi giới thiệu chiếc iPhone 6 Plus, mà là lời giới thiệu của Anssi Vanjoki - trưởng bộ phận smartphone của Nokia - khi ông công bố chiếc Nokia E7 tại sự kiện Nokia World 2010. Màn hình 4" của mẫu điện thoại này được xem là khá to ở thời điểm bốn năm về trước, nhưng Nokia biết rằng sở thích của người dùng đang đi theo hướng nào.

Chưa hết, hãy xem thử đoạn video ở trên đi, bạn sẽ thấy một dịch vụ địa điểm mang tính cá nhân hóa của Nokia không khác mấy so với Google Now ngày nay. "Và đó là một không gian mà chúng tôi muốn sở hữu", Niklas Savander - giám đốc điều hành Nokia thời đó - chia sẻ. Nghe thì có vẻ quá lạc quan nhưng với Nokia thì đây là tham vọng hoàn toàn có thể thực hiện được bởi hãng là một trong những công ty đi đầu về bản đồ di động và dịch vụ điều hướng.
Giờ đây, vào năm 2014, hai mảng nói trên đã trở thành một phần quan trọng trong trải nghiệm di động hiện đại: Google Now phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm mà bạn đang ở, Siri cũng thu thập vị trí để đưa ra những câu trả lời phù hợp, Cortana cũng không là ngoại lệ. Ngoài ra, số lượng người dùng ứng dụng bản đồ tăng cao, trong khi mức độ chi tiết trong việc dẫn đường thì càng ngày càng được cải thiện. Rõ ràng Nokia đã thấy được trước tương lai, nhưng hãng lại không nắm bắt được cơ hội để xây dựng tương lai đó.
Sai lầm lớn nhất của Nokia đó là hãng không sẵn sàng đón nhận những thay đổi lớn. Công ty đã gieo mầm cho chế độ "tự hủy" của mình khi hãng quảng bá Symbian bằng câu nói "sự quen thuộc của cái mới" nhiều năm về trước. Công ty sợ sẽ làm ảnh hưởng đến người dùng nếu thay đổi quá nhiều, thế nên hãng chọn cách chỉnh sửa lại hệ điều hành của mình với mong muốn nó trở nên thân thiện hơn với cảm ứng. Nhưng đáng tiếc thay, nó không còn phù hợp với tương lai nữa. Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù phạm sai lầm là thế nhưng Nokia vẫn nhận thức rõ về mối đe dọa từ các hệ điều hành đối thủ.
Nhảy sang Android từng được cho là một cách hữu hiệu để Nokia lấy lại sức cạnh tranh về mặt phần mềm, thế nhưng Anssi Vanjoki từng bác bỏ ý tưởng này bởi theo ông, trong ngắn hạn, điều đó giống như "đang tự tè vào quần của mình để làm ấm trong mùa đông". Nhiều người nghĩ rằng Vanjoki đã sai, nhưng bạn hãy nhìn tình cảnh của HTC, Motorola Mobility hay Sony hiện nay mà xem. Các hãng này gặp nhiều vấn đề về tài chính, chỉ có Sony là tương đối ổn, trong khi HTC liên tục có những quý kinh doanh ảm đạm còn Motorola thì giờ đã về tay Lenovo. Nếu chúng ta nói một cách gay gắt thì không ai ngoài Google, Samsung và Microsoft là có thể thật sự kiếm được nhiều tiền từ việc bán điện thoại Android (Microsoft dù không trực tiếp bán nhưng "hái" nhiều tiền bản quyền).
Trước khi gửi gắm tương lai của mình cho Windows Phone, Nokia từng đến với MeeGo OS. Hãng phát triển nó như một hệ điều hành thay thế cho Symbian, đồng thời đưa một hơi thở mới mẻ vào cả thiết kế phần cứng lẫn phần mềm của mình. Thân hình unibody của chiếc Nokia N9 rất đẹp và độc đáo, nó tốt đến nỗi Nokia tiếp tục duy trì thiết kế đó cho các điện thoại Lumia đời đầu của mình. Mới đây hãng lại tiếp tục đem ngoại hình của N9 xuống cho chiếc Lumia 730. Thao tác chạy đa nhiệm của N9 thì rất tiện lợi và trực quan, và giờ đây nó đã được mô phỏng lại theo cách này hay cách khác trên các hệ điều hành di động phổ biến. Tính năng chạm hai cái vào màn hình để đánh thức máy cũng thế.
Lại thêm một lần đáng tiếc, sự phát triển của MeeGo đã không tiến triển như những gì Stephen Elop kỳ vọng, hệ sinh thái ứng dụng cho nền tảng này lại không có, thế là N9 bị khai tử và Nokia tìm đến Microsoft để rồi cả hai hợp tác đưa Windows Phone lên vị thế ngày nay.
Quay trở lại chủ đề chính của bài viết, danh sách những thứ Nokia nhìn thấy trước trong tương lai cũng khá là dài đấy, có điều hãng không thành công khi phát triển chúng mà thôi. Một ví dụ khác đó là khi Anssi Vanjoki dường như quá tự tin khi nói camera trên điện thoại rồi sẽ thay thế DSLR vào một ngày nào đó. Lúc đó cũng nhiều người cười vào phát ngôn này, nhưng giờ bạn hãy nhìn những chiếc iPhone mới, chiếc Panasonic CM1 hay chiếc Lumia 1020 mà xem. Chất lượng ảnh của chúng đã đạt đến một mức đủ tốt để ít nhất một vài người sẵn sàng bỏ chiếc máy to cồng kềnh ở nhà và thay vào đó hưởng thụ niềm vui của những chuyến đi chơi.
Giống như Palm với webOS, Intel với Bộ phận thiết bị Internet di động, hay Xerox với giao diện đồ họa người dùng, Nokia đã cho thế giới thấy rằng việc đưa ra các ý tưởng tốt đầu tiên không đồng nghĩa với sự thành công về mặt thương mại.
Trước khi iPhone có app và Android có ứng dụng Maps tốt, điện thoại Nokia đã có cả hai. Ngày nay chẳng còn chiếc điện thoại "đầu tàu" nào không có lớp vỏ kim loại hay giả kim loại, trong khi 4 năm trước Nokia đã có một sản phẩm như thế. Nếu như phần mềm của Nokia cũng tốt như tầm nhìn và phần cứng của hãng thì mọi việc có lẽ đã khác, rất khác. Biết đâu công ty Phần Lan này lại đang là kẻ dẫn đầu ngành smartphone trên toàn cầu thì sao. Thật tiếc cho Nokia!
Tham khảo: The Verge​


Bạn vui lòng chờ trong giây lát...